VIỆT NAM ĐỨNG THỨ 43 TRONG BẢNG XẾP HẠNG CHỈ SỐ HIỆU QUẢ LOGISTICS
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới.
Hạ tầng logistics trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối… Điều đó gây cản trở việc nâng cao tính cạnh tranh của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.
Đi sâu phân tích vấn đề này, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA chia sẻ sự liên kết giữa các phương thức vận tải vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do năng lực vận tải thủy còn thấp qua việc vận tải đường thủy nội địa chỉ chiếm tỷ lệ 21,6%; vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 73%.
Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển qua hình thức vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2%, đường sắt 0,2% và đường hàng không 0,01%. Qua đó, làm cho chi phí logistics tăng cao, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN
Theo báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2023 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi, tăng 1 bậc so với năm trước. Với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hằng năm từ 14 - 16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Tuy nhiên, trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong tháng 4/2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43, tụt 4 hạng so với thứ 39 của năm 2018.
LPI năm 2023 Việt Nam đứng vị trí thứ 43, tụt 4 hạng so với thứ 39 “ngoạn mục” của năm 2018.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải Đông Nam Á (AFFA), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) lý giải, sự sụt giảm về vị trí của Việt Nam trong LPI 2023 phản ánh hệ quả của sự lúng túng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua. Các biện pháp phong tỏa đã kéo dài thời gian vận chuyển, gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất tiêu dùng và vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng LPI 2023. Trong đó, 3 chỉ số thành phần giảm gồm thời gian giao hàng, năng lực và chất lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics, khả năng theo dõi và truy xuất hàng hóa. Tuy nhiên, điểm LPI tăng lên mức 3,3 điểm so với 3,27 điểm năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm 5 trong khối ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines cho thấy Việt Nam đang dần cải thiện, đặc biệt về chỉ số thành phần về hiệu quả quy trình thông quan và chất lượng cơ sở hạ tầng có sự tăng điểm số rõ rệt nhất.
Thời gian qua, các doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tích cực đẩy nhanh chuyển đổi số, đồng thời nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo LPI 2023, số hóa chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đang cho phép rút ngắn thời gian trễ cảng lên đến 70% so với các nước phát triển.
Khó khăn kìm hãm sự phát triển của logistics Việt Nam
Mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực nhưng trên thực tế vẫn tồn tại những hạn chế và thách thức.
Tuy Logistics Việt Nam phát triển nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn
Cụ thể như thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Về khung khổ pháp lý với ngành logistics, đã có nhiều văn bản được ban hành, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo.
Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam cũng còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.
Hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp,…
Và cuối cùng là nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Kết luận
Dù ngành logistics Việt Nam được đánh giá có tiềm năng, tuy nhiên cần khắc phục những hạn chế chủ quan và những trở lực khách quan để ngành logistics có thể phát triển như kỳ vọng.
Vận Đức Logistics tin rằng năm 2024 sẽ là một năm bùng nổ đối với ngành Logistics.